Ngỗng sư tử là loài vật nuôi rất nhanh lớn và dễ nuôi. Thịt ngỗng thơm ngon và cho giá trị kinh tế cao nên ngày càng được nuôi nhiều. Chăn nuôi ngỗng sư tử đang được bà con đầu tư mở rộng cả về quy mô và chất lượng. Với mong muốn chia sẻ kiến thức chăn nuôi con ngỗng sư tử hiệu quả này đến người nông dân bài viết đã tổng hợp và xây dựng trọn bộ Kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử làm giàu để người nuôi có thêm những kiến thức bổ ích từ đó chăn nuôi hiệu quả hơn.
1. Giới thiệu về ngỗng sư tử
Ngỗng sư tử là loài gia cầm có kích thước và trọng lượng cơ thể lớn hơn ngỗng cỏ. Ngỗng sư tử có nguồn gốc từ Trung quốc, từ lâu ngỗng đã được nhập vào Việt Nam và dần trở thành giống nội địa. Ngỗng có khả năng thích nghi cao với các điều kiện tự nhiên của nước ta. Con Ngỗng đực trưởng thành có trọng lượng khoảng 6kg còn ngỗng cái khoảng 5kg. Ngỗng thích hợp với việc chăn thả, thức ăn của chúng khá đơn giản và dễ kiếm.
1.1 Đặc điểm hình thái ngỗng sư tử
Ngỗng sư tử có đặc điểm là đầu to, mỏ đen thẫm, mào lớn và có màu đen nhất là ở ngỗng đực mào của chúng rất phát triển. Ngỗng sư tử có bộ lông màu xám thẫm hoặc trắng pha nâu. Mắt ngỗng nhỏ có màu nâu rất đặc trưng. Ngực của ngỗng khá dài và hẹp.
1.2 Giá trị kinh tế của ngỗng sư tử
Ngỗng sư tử có trọng lượng lớn, rất mau lớn nên nhanh cho xuất bán.
Thịt ngỗng ngon có tỷ lệ thịt xẻ cao đạt 60- 66%.
Sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, dễ thích nghi.
Giá ngỗng thịt trên thị trường luôn ổn định.
2. Kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử – Chọn con giống
Trong kỹ thuật chăn nuôi khâu chọn con giống rất quan trọng. Con giống tốt sẽ mau lớn, khỏe mạnh, sức đề kháng cao và chất lượng thương phẩm tốt.
2.1 Chọn ngỗng con 1 ngày tuổi
Chọn những con ngỗng có khối lượng cơ thể 85-100g/ con, cơ thể hoàn chỉnh không bị dị tật. Bộ lông tơ bông mềm, màu vàng, mắt sáng, không hở rốn. Ngỗng đi lại nhanh nhẹn, ăn uống tốt.
2.2 Chọn ngỗng bố mẹ
Với ngỗng cái chọn những con khỏe mạnh, mắt sáng tinh anh, cổ dài ngực gọn, háng rộng, phao câu to.
Với ngỗng đực chọn những con khỏe mạnh dáng đi vững chắc, cổ ngẩng cao, ngựa nở, thân mình thuôn dài, lỗ hậu môn màu hồng.
3. Kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử – Thiết kế chuồng nuôi
Ở nước ta ngỗng sư tử được nuôi theo hình thức bán tự do là chủ yếu. Ngỗng được nuôi trong môi trường vừa có chuồng nuôi, vừa có sân chơi hay bãi cỏ để thả. Xây dựng chuồng nuôi là điều kiện cần thiết trong kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử. Chuồng nuôi phải cao ráo sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Chuồng được xây phân tách với các khu vực nuôi úm, khu dự bị. Nền nhà xây hơi dốc thuận lợi cho việc vệ sinh chuồng trại. Có thể sử dụng đệm lót sinh học bằng trấu hoặc mùn cưa kết hợp với chế phẩm sinh học Vbio. Chế phẩm có tác dụng khử mùi hôi, khí độc, giảm dịch bệnh, phân hủy phân và chất hữu cơ nhanh.
4. Kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử – Nuôi úm
Ở giai đoạn này ngỗng con mới nở nên nuôi úm là công việc quan trọng đầu tiên giúp ngỗng con có sức đề kháng tốt. Bà con nên chuẩn bị tốt các điều kiện nuôi úm tốt nhất để đảm bảo tỷ lệ sống của con giống cao.
- Thiết bị sưởi có thể dùng bóng điện 100W.
- Quây úm có tác dụng ngăn ngỗng không đi xa, bảo vệ ngỗng, đồng thời có tác dụng che ấm cho ngỗng con.
- Máng ăn: Máng có kích thước 45cmx60cmx2cm dùng cho khoảng 25- 30 ngỗng con.
- Máng uống: Sử dụng máng nhựa cho ngỗng uống nước.
- Chất độn chuồng: Bà con có thể sử dụng trấu, hoặc mùn cưa đã phơi khô, sạch sẽ để lót cho ngỗng con.
- Mật độ nuôi ngỗng: đối với ngỗng con 1- 7 ngày tuổi đảm bảo mật độ 10 – 15 con/m2. Ngỗng từ 8 – 28 ngày tuổi có mật độ 6 – 8 con/m2.
- Nhiệt độ nuôi ngỗng sư tử: Ở tuần đầu tiên duy trì nhiệt độ 32-35 độ C trong suốt 24h từ tuần 2,3 mỗi tuần giảm 3 độ và giảm giờ thắp sưởi xuống từ 18-20h/ ngày. Đến tuần thứ 4 thì duy trì mức nhiệt bình thường 23-25 độ C.
Cách tốt nhất nhận biết ngỗng có đủ ấm hay không là quan sát đàn ngỗng, khi thiếu nhiệt ngỗng bị lạnh sẽ nằm đè lên nhau tụm thành từng đống bà con cần tăng cường nhiệt để sưởi ấm cho ngỗng. Nếu quá nóng ngỗng sẽ tránh xa nguồn nhiệt lúc này cần hạ bớt nhiệt xuống.
Giai đoạn này cần tiêm đầy đủ các loại vacxin để phòng bệnh cho ngỗng đồng thời cung cấp thêm sinh tố tổng hợp B-complex cho ngỗng con để nâng cao sức đề kháng.
5. Kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử – Ngỗng sư tử ăn gì ?
Trong kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử, nguồn thức ăn và thành phần dinh dưỡng trong thức ăn rất quan trọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng thương phẩm. Lựa chọn nguồn thức ăn sạch, đảm bảo vệ sinh đồng thời cho ngỗng ăn cân đối và đầy đủ thành phần dinh dưỡng sẽ giúp ngỗng mau lớn, ít bệnh tật.
5.1 Nguồn thức ăn
Ngỗng sư tử ăn tạp nên thức ăn của chúng rất đa dạng. Bao gồm:
- Thức ăn tinh bột: thóc, ngô, kê, cám gạo…
- Thức ăn thô xanh: gồm các loại cỏ trong tự nhiên như cỏ voi, cỏ hòa thảo, cỏ gà… và rau củ như khoai lang, cà rốt, bí đỏ…
- Thức ăn giàu protein từ thực vật: đậu tương, lạc, đậu xanh, khô dầu đậu tương, khô dầu lạc…Và nguồn protein từ động vật như: bột cá, bột thịt xương, bột đầu tôm…
- Thức ăn cung cấp chất khoáng và vitamin: bột vỏ sò, vỏ hến, vỏ trứng…
Đối với thức ăn thô xanh
Bà con có thể trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn hoặc cắt ngoài tự nhiên. Lưu ý khi sử dụng nguồn cỏ tự nhiên phải là nguồn cỏ sạch, không chứa thuốc bảo vệ thực vật. Cỏ tươi được cắt nhỏ rồi bỏ vào máng ăn hàng ngày cho ngỗng. Người nuôi có thể dự trữ thức ăn cho ngỗng bằng cách ủ thức ăn xanh bằng chế phẩm sinh học EM. Thức ăn sau ủ được bổ sung các vi sinh vật có lợi sẽ giúp ngỗng sư tử nhanh lớn, tăng sức đề kháng từ đó nâng cao giá trị thương phẩm.
Với quy mô trang trại lớn bà con có thể sử dụng các loại máy băm nghiền đa năng của hãng 3A sản xuất. Máy giúp bà con chế biến thức ăn một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức.
Đối với thức ăn tinh
Đối với thức ăn tinh cách chế biến thường được dùng là ép thành cám viên. Các nguyên liệu sẽ được nghiền nhỏ thành bột sau đó phối trộn với nhau theo tỉ lệ và độ ẩm thích hợp. Chất lượng cám sau khi ép ra có tỷ lệ dinh dưỡng đồng đều, viên cám chắc. Cách làm này rất đơn giản bà con hoàn toàn có thể làm tại nhà bằng máy ép cám viên 3A.
5.2 Khẩu phần dinh dưỡng cho ngỗng sư tử
Để ngỗng sư tử phát triển khỏe mạnh người chăn nuôi cần cho ngỗng ăn đầy đủ và cân đối. Đây là công việc rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử để thu được giá trị kinh tế cao. Dưới đây là bảng khối lượng thức ăn cho ngỗng sư tử theo các giai đoạn khác nhau:
Ngày tuổi | Thức ăn( g/con/ngày) |
1-5 | 35 |
6-10 | 90 |
11-20 | 110 |
21- 30 | 220 |
31- 40 | 280 |
41- 50 | 328 |
51- 60 | 338 |
Ngỗng hậu bị 61- 70 | 260 |
Ngỗng trưởng thành 71- 75 | 330 |
Để ngỗng mau lớn và ít bệnh tật chế độ dinh dưỡng của ngỗng cần được cân bằng. Dưới đây là bảng cân bằng các nhóm thức ăn khác nhau theo từng giai đoạn phát triển của ngỗng:
Ngày tuổi | Thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp, cám viên (g/ngày) | Thức ăn tươi xanh (g/ngày) |
1-10 | 20 | 50 |
11-20 | 50 | 100 |
21-30 | 120 | 200 |
31-40 | 140 | 300 |
41-50 | 160 | 400 |
51- 60 | 180 | 500 |
61-70 | 200 | 600 |
6. Kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử – Phòng trị bệnh
Trong chăn nuôi ngỗng sư tử để đàn ngỗng khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tật bà con nên tuân thủ nguyên tắc 3 sạch ăn sạch uống sạch và ở sạch.
- Đảm bảo nguồn thức ăn sạch sẽ không bị ôi thiu hay ẩm mốc.
- Bổ sung vitamin, vi sinh để tăng cường sức đề kháng cho ngỗng.
- Nguồn nước cho ngỗng uống là nước sạch.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin định kỳ cho ngỗng.
- Khu vực nuôi đảm bảo vệ sinh, thông thoáng.
6.1 Bệnh tụ huyết trùng
Khi bị nhiễm bệnh ngỗng có triệu chứng mệt mỏi, ủ rũ, lỗ mũi và mỏ có tiết dịch nhầy, ngỗng thở khó hoặc thở khò khè, lông xơ xác, ỉa nhiều, phân màu vàng hoặc xanh, mào tím thẫm hoặc ngỗng sẽ lăn ra chết bất thường.
Phòng trị bệnh: Không nuôi chung ngỗng với các loại gia cầm khác, khu vực nuôi và các thiết bị dụng cụ nuôi đảm bảo vệ sinh, được khử trùng thường xuyên.
Có thể dùng Streptomycin hoặc Sunfamethazin liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
6.2 Bệnh dịch tả vịt lây sang ngỗng
Bệnh xuất hiện với triệu chứng niêm mạc mắt đỏ ửng, mắt bị sưng.
Để phòng bệnh cần cách ly đàn ngỗng ra khỏi khu vực bị bệnh, sát trùng vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Tiêm vacxin cho đàn ngỗng đồng thời bổ sung các loại vitamin để ngỗng tăng sức đề kháng. Với những con ngỗng đã chết cần xử lý hợp vệ sinh để không làm lây lan nguồn bệnh.
6.3 Bệnh phó thương hàn
Khi bị nhiễm bệnh ngỗng sẽ ỉa chảy, cánh rủ, lông xơ, đau mắt. Viêm lỗ huyệt, trong ruột chứa dịch đặc, thường xung huyết.
Bà con dùng Biomixin với liều lượng: 5 – 10mg/lần rồi trộn vào thức ăn cho ngỗng ăn từ 2 – 3 lần/ngày, liên tục trong 5 – 6 ngày, vệ sinh chuồng sạch sẽ, thức ăn đảm bảo vệ sinh.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về kỹ thuật nuôi ngỗng sư tử để mau lớn, khỏe mạnh. Hy vọng với những thông tin bổ ích này bà con sẽ chăn nuôi thành công.