Hoa hồng là loài cây ra hoa quanh năm, do đó nó cần rất nhiều dinh dưỡng trong suất quá trình sinh trưởng và phát triển. Nếu muốn trồng hoa hồng ra hoa đẹp mà không bón phân cho nó thì thật sự là điều không thể. Khi bón phân cho hoa hồng đúng và đủ thì tự nó sẽ kháng bệnh tốt, cho ra hoa nhiều, bông lớn, form đẹp và chuẩn màu hơn. Tham khảo cách bón phân cho hoa hồng sau:
I – Tổng quan về dinh dưỡng hoa hồng
Tương tự như các loại cây trồng khác, hoa hồng cần có 16 nguyên tố khoáng cho quá trình sinh trưởng và phát triển, bao gồm các nguyên tố C, H, O, N, P, K, S, Ca, Mg, Fe, Mn, B, Cl, Zn, Cu, Mo. Trong đó, các nguyên tố N, P, K là cây có nhu cầu sử dụng cao nhất, kế đến là các nguyên tố trung lượng như Ca, Mg, S, Si và cuối cùng các nguyên tố vi lượng còn lại.
Mỗi nguyên tố khoáng đều đóng vai trò quan trọng và cần thiết đối với cây hoa hồng. Có thể dựa vào nhu cầu để chia thành 3 nhóm dinh dưỡng chính là Đa lượng – Trung lượng – Vi lượng. Các dấu hiệu thiếu chất này, dư chất kia trên của hoa hồng, về cơ bản đều sẽ biểu hiện qua cành và lá. Cây hoa hồng không phân biệt được đâu là phân vô cơ, đâu là phân hữu cơ, miễn sao phù hợp là chúng “ăn”.
1 – Các loại phân bón
1.1 – Phân vô cơ
Đặc điểm của phân vô cơ là cung cấp dinh dưỡng dưới dạng khoáng hòa tan, đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng nhanh chóng và đầy đủ cây trồng ngay lập tức, mang lại hiệu quả tức thời. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân vô cơ thường mang lại nhiều hệ quả xấu cho giá thể/đất trồng.
Bón quá nhiều phân vô cơ có thể làm thay đổi độ pH của đất, gây chua đất hoặc kiềm hóa, vi sinh vật có lợi kém phát triển, giá thể/đất trồng ngày càng trở nên thoái hóa, chai cứng. Nếu sử dụng quá liều có thể làm cháy rễ, ngộ độc phân bón gây chết cây.
Tham khảo thêm:
- Kỹ thuật và cách bón phân cho lúa dành cho bà con nông dân
- Cách bón phân thúc cho cây ăn quả sao cho hiệu quả nhất
- Chăm sóc cây ngô (bắp) – Bón phân, nhu cầu dinh dưỡng của cây ngô
1.2 – Phân hữu cơ
Tuy rất giàu dinh dưỡng nhưng hàm lượng chất khoáng mà cây có thể hấp thu được có trong phân hữu cơ thường rất thấp, chỉ đạt được khoảng vài %, nên không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng trong giai đoạn sinh trưởng.
Về bản chất, phân hữu cơ chỉ có tác dụng cải tạo và phục hồi sức sống cho đất trồng là chính, giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho hệ vi sinh vật có lợi phát triển, từ hoạt động của vi sinh vật sẽ giúp cho giá thể/đất trồng trở nên tơi xốp, thoáng khí… tạo sự thuận lợi cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh.
1.3 – Phân bón lá
Hiệu suất cây sử dụng phân bón gốc thường không cao, bộ rễ chỉ hấp thu chỉ hấp thu được khoảng 35-40%, lượng còn lại sẽ bị thất thoát ra ngoài môi trường do bị rửa trôi, bay hơi hoặc tích tụ lâu ngày có thể làm hỏng giá thể/đất trồng. Trong khi phân bón lá mang lại hiệu suất sử dụng cao hơn, nhờ đó giúp giảm tác động tới môi trường đất.
Khi phun phân bón lá, cây có thể hấp thụ được phần lớn khoáng chất có trong phân do diện tích tiếp xúc với chất dinh dưỡng khoáng lớn. Tuy nhiên, bộ lá không phải là con đường chuyên biệt để hấp thu dinh dưỡng của cây trồng nên bón qua lá chỉ mang ý nghĩa bổ sung dinh dưỡng chứ không thể thay thế phân bón gốc.
1.4 – Phân vi sinh
Khác với mọi loại phân bón khác, phân vi sinh không hề cung cấp dinh dưỡng mà nó là chỉ giúp bổ sung hệ vi sinh vật có lợi cho giá thể/đất trồng. Thông qua sự hoạt động của hệ vi sinh vật có lợi, chúng cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng giúp cho cây trồng phát triển và đồng thời tạo ra hệ thống “phòng thủ” tự nhiên rất mạnh mẽ.
2 – Các nguyên tố dinh dưỡng
Hoa hồng cần tới 13 nguyên tố dinh dưỡng cho sự phát triển và ra hoa, trong đó Đạm (N) giúp kích thích sự phát triển mạnh mẽ và cho bộ lá xanh tốt, Lân (P) thúc đẩy sự phát triển của rễ và cành, còn Kali (K) tăng khả năng sai hoa và đậm màu. Bên cạnh đó, các nguyên tố còn lại cũng có vai trò quan trọng giúp cây sinh trương khỏe.
TÊN NGUYÊN TỐ | DẠNG CÂY HẤP THU | VAI TRÒ ĐỐI VỚI CÂY |
Nito (Đạm) | NH4+, NO3– và Amino Acid | Kích thích sự phát triển của cành và lá. |
Photpho (Lân) | H2PO4–, HPO42-, PO43- | Kích thích ra rễ mới, giúp cây phát triển ổn định |
Kali | K+ | Kích thích nụ và hoa phát triển, giúp cứng cành và lá, tăng khả năng chống chịu và kháng bệnh tốt. |
Canxi | Ca2+ | Thành phần của thành tế bào và màng tế bào, hoạt hóa enzim |
Magie | Mg2+ | Thành phần của diệp lục, hoạt hóa enzim |
Lưu huỳnh | SO42- | Thành phần của protein |
Silic | SiO44- | Tăng cường sự sinh trưởng |
Sắt | Fe2+ và Fe3+ | Thành phần của xitocrom, tổng hợp diệp lục, hoạt hóa enzim |
Mangan; Đồng | Mn2+ ; Cu2+ | Hoạt hóa nhiều enzim |
Kẽm | Zn2+ | Liên quan đến hoạt động của mô phân sinh |
Boron | B4O72- | Liên quan đến quang phân li nước và hoạt hóa enzim |
Molipden | MoO42- | Cần cho sự trao đổi nitơ |
3 – Các loại phân bón cho hoa hồng
Mỗi loại cây trồng đều có nhu cầu dinh dưỡng rất khác nhau, không phải loại phân bón nào cũng phù hợp với cây hoa hồng, mà còn tùy thuộc vào tỷ lệ dinh dưỡng của loại phân bón đó nữa. Trong đó, tỷ lệ NPK đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển của cây hoa hồng. Với một tỷ lệ NPK hợp lý sẽ giúp cho cây hoa hồng phát triển đồng đều, ổn định và khỏe mạnh.
Hoa hồng có nhu cầu về Đạm (N) và Kali (K) cao hơn so với Lân (P), nên các loại phân bón có tỷ lệ N – K sẽ cao hơn P sẽ phù hợp hơn khi bón cho cây hoa hồng. Đặc biệt, hoa hồng là loài cây có mức độ quang hợp rất cao nên hai nguyên tố Sắt (Fe) và Magie (Mg) là không thể thiếu. Bên cạnh đó, Canxi và Boron cũng rất cần thiết để giúp hoa hồng ra hoa đẹp hơn.
Làm sao để biết được tỷ lệ dinh dưỡng nào là phù hợp? Thay vì phải mò mẫm giữa ma trận phân bón, tại sao không học hỏi theo những người đi trước, vốn đã rất thành công với hoa hồng. Dựa theo công thức phân bón của David Austin, có thể thấy được tỷ lệ NPK là 9,5 – 7,5 – 10 và Mg 3%, như vậy cứ dựa theo tỷ lệ này để lựa chọn phân bón cho hoa hồng thôi.
Lưu ý: Chỉ số NPK ghi trên bao bì cao hay thấp không quan trọng, mà quan trọng là tỷ lệ NPK giữa chúng. Ví dụ, phân NPK có tỷ lệ 10-10-10 và 20-20-20 là tương tự như nhau, khác ở chỗ là phân NPK 20-20-20 có hàm lượng gấp đôi so với phân NPK 10-10-10, nên sẽ bón với lượng ít hơn.
3.1 – Phân NPK cho hoa hồng
- Rose Food David Austin
Rose Food là loại phân bón chuyên dụng của hoa hồng được David Austin tạo ra, với tỷ lệ thành phần dinh dưỡng mà hoa hồng cần để sinh trương, phát triển và ra hoa. Hiện tại có rất ít đơn vị nhập loại phân bón này, đa số được cá nhân nhập về bán với số lượng khá hạn chế.
- YaraMila COMPLEX
YaraMila COMPLEX là loại phân bón NPK có tỷ lệ là 12-11-18, rất phù hợp với nhu cầu sử dụng dinh dưỡng của cây hoa hồng. Bên cạnh đó, YaraMila COMPLEX còn có chứa 2,7% Magie và 8 % Lưu huỳnh, cùng với nhóm vi lượng cần thiết như Fe, Zn, B và Mn, gần như đủ các loại dưỡng chất cần thiết.
Trong thành phần của YaraMila Complex chỉ thiếu mỗi nguyên tố Canxi. Bạn hoàn toàn có thể bổ sung thêm Canxi bằng cách bón vỏ trứng gà, xương cá, vỏ tôm,… hoặc có thể bổ sung thêm Canxi Nitrate. Tuyệt vời hơn nữa thì có thể bổ sung kết hợp với phân bón lá vi lượng đều đặn mỗi tháng là hoàn hảo.
2 – Phân hữu cơ cho hoa hồng
- Phân gà Nhật
Phân gà Nhật thường là dòng phân hữu cơ có hàm lượng Đạm (N) cao, và đồng thời chứa rất nhiều chủng sinh vật có lợi. Những chủng vi sinh vật có trong phân gà rất đa dạng giúp thời gian phân hủy chất hữu cơ nhanh hơn, nên có khả năng cung cấp dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng. Tuy nhiên, phân gà cũng tiềm ẩn rất nhiều loại vi sinh gây bệnh nên đồi hỏi quá trình ủ rất khắt khe.
Muốn sử dụng phân gà Nhật hiệu quả, cần lựa chọn một đơn gian cung cấp uy tín, đảm bảo đã xử lý được mầm bệnh, tránh gây hại tới cây trồng. Nên bón phân gà vi sinh trước mỗi đợt cắt tỉa, hòng giúp đất màu mỡ và tơi xốp trở lại, và có khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng sau một đợt bón thúc bằng phân NPK.
- Dynamic Lifter
Đây là một loại phân hữu cơ nổi tiếng được sản xuất tại Úc của hãng Yates, trong thành phần có thêm rong biển, đạm cá và nhiều chất dinh dưỡng khác, giúp cây “ăn” lâu dài và bền vững. Bón phân hữu cơ Dynamic Lifter giúp đất cân bằng pH, duy trì tốc độ phát triển ổn định của cây hoa hồng. Nên bón Dynamic Lifter 1 tháng/lần.
- Đạm cá vi sinh
Phân đạm cá được phân giải từ các bộ phận của cá, gồm có đầu cá, ngũ tạng, xương cá, vây cá,… nhờ đó mà trong phân đạm cá có chứa rất nhiều axit amin, vitamin, khoáng chất, các loại vitamin… Đây là loại phân hữu cơ có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng, đặc biệt là với cây hoa hồng.
Phân đạm cá thường có dạng dịch, giống như nước mắm, nhưng không có chứa hàm lượng muối (ủ từ cá sông). Nên bón phân đạm cá 15 ngày/lần, có thể kết hợp với bón với dịch chuối và phun phân bón lá vi lượng để cây hoa hồng có đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Humic và Fulvic:
Được xem là “vàng đen” của nông nghiệp bền vững, nó có tác dụng cải tạo độ đất, giúp ổn định độ pH, giải độc hữu cơ và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Nên bón 1 tháng/lần.
- Phân trùn quế
Hàm lượng dinh dưỡng không cao nhưng rất giàu chất mùn (humin), chứa rất nhiều các vi sinh vật có lợi giúp cải tạo đất.
- Dịch trùn quế
Trong dịch trùn quế có chứa gần 20 loại acid amin khác nhau, cùng các chất dinh dưỡng đa – trung – vi lượng và các loài vi sinh có lợi giúp tác dụng đối kháng nấm bệnh. Có thể sử dụng dịch trùn quế như một loại phân bón lá hữu cơ thay thế, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng
Lưu ý: Không nên bón các loại phân cá hoặc phân gà nếu không nắm rõ nguồn gốc.
3 – Phân vi sinh cho hoa hồng
- Nấm đối kháng Trichoderma
Khi bón nấm Trichoderma vào trong đất, nó sẽ bám vào xung quanh rễ cây như những loại vi sinh vật cộng sinh khác. Sau đó, nó tiết ra enzym kích thích giúp rễ cây ăn sâu vào lòng đất, làm cho rễ cây khỏe hơn và tăng khả năng hút dinh dưỡng, tăng khả năng phòng vệ trước nấm và khuẩn cho rễ.
Đông thời, nhi gặp các loại nấm gây hại như Fusarium, Pythium, Phytophthora, Rhizoctonia, nó sẽ bám vào các bào tử của các loại nấm này, rồi tiết ra enzim làm tan màng tế bào nấm hại. Sau đó Trichoderma ký sinh bên trong nấm gây hại và tiêu thụ chúng. Nhờ đó giúp bảo vệ cây trồng khỏi nấm bệnh.
Trichoderma sẽ giảm số lượng nhanh chóng trong 3-4 tháng, sau 6 tháng thì hoàn toàn mất tác dụng. Do đó, bạn nên bổ sung loại nấm này thường xuyên để giúp bảo vệ hệ rễ cây tốt nhất.
- Nấm rễ Mycorrhiza
Nấm Mycorrhiza là loại nấm rễ cộng sinh, nó bám rễ cây và giúp cây hấp thụ nước và chất dinh dưỡng, đổi lại cây sẽ cung cấp ngược lại các chất dinh dưỡng cho chúng hoạt động. Khi các loại nấm này phát triển trong đất, sợi nấm của chúng có thể kéo dài theo mọi hướng tạo ra một mạng lưới nấm cho phép rễ cây tiếp cận nguồn dinh dưỡng nhiều hơn gấp 100.000 lần so với khả năng của chính nó.
- Phân hữu cơ vi sinh Rhizoplex
Rhizoplex 3-3-3 là loại phân bón hữu cơ vi sinh rất tốt cho cây hoa hồng, được sử dụng một loại phân bón kích rễ sinh học. Nhờ được cung cấp hệ vi sinh vật có lợi (có chứa nấm rễ arbuscular mycorrhiza) giúp cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh, hạn chế sự thất thoát dưỡng chất dẫn đến cây phát triển tốt với bộ lá xanh khỏe và chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của môi trường.
4 – Phân bón lá cho hoa hồng
- Đầu trâu 501
- Miracle Gro
- Bột rong biển
- YaraVita BUD BOOSTER
- Micro Combi
- Superthire
5 – Nguồn thực phẩm trong gia đình
Sữa tươi, chuối xay, nước vo gạo, mật ong , xương cá, vỏ trứng, vỏ tôm, vỏ hải sản chứa nhiều đạm, kali, vitamin cũng rất tốt cho cây, tuy nhiên chỉ nên tưới cho cây vào những ngày trời khô ráo để hạn chế tạo môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển
II – Cách bón phân cho hoa hồng
Khi cây hoa hồng được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, các mầm non thường sẽ có màu tím, ra rất nhiều mầm và phát rất mạnh. Trong trường hợp bón dư dinh dưỡng thì các mầm non sẽ bị màu vàng tái hoặc nâu, nặng hơn sẽ bị cháy lá non. Nếu thấy có dấu hiệu dư dinh dưỡng, bạn nên lấy bớt lượng phân còn dư trong chậu và tưới nhiều nước để cây xả dinh dưỡng.
Khi cây bị ngộ độc phân bón quá nặng, chúng ta cần phải thay giá thể ít dinh dưỡng hơn. Đa phần người mới chăm hoa hồng thường mắc phải lỗi bón dư dinh dưỡng, vì mong muốn cây hoa hồng của mình phát triển mạnh.
- Cải tạo giá thể/đất trồng
Về cơ bản, khi bộ rễ phát triển khỏe mạnh, có nhiều rễ tơ và lông hút, sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng, nhờ đó mà cây trồng phát triển vượt bậc. Sẽ rất khó có thể thực hiện điều này nếu không nó nền giá thể đủ tốt. Cách bón phân tốt nhất cho hoa hồng chính là giúp cho bộ rễ phát triển trước.
Độ tơi xốp của giá thể sẽ giúp cho bộ rễ dễ dàng đâm sâu và lan tỏa, còn độ thoáng khí sẽ giúp làm tăng nồng độ oxy trong đất giúp cây có nhiều oxy để thở và chuyển hóa năng lượng, hệ vi sinh vật cộng sinh sẽ giúp bảo vệ vùng rễ nhạy cảm.
Để tạo ra được môi trường giá thể có đầy đủ các yếu tố trên, chỉ sử dụng mỗi phân hữu cơ thôi là chưa đủ, mà còn cần tới hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Phân hữu cơ chỉ có tác dụng cung cấp chất hữu cơ, giúp bổ sung thức ăn cho hệ vi sinh vật hoạt động. Nếu như không có hệ vi sinh vật hoạt động thì bón phân hữu cơ cũng vô ích.
- Chế độ bón gốc
Chỉ nên sử dụng phân bón gốc (dưới dạng NPK) trong trường hợp cây hoa hồng đang rất khoẻ mạnh, không bị nấm bệnh và cần phải có một bộ rễ phát triển, có nhiều rễ non thì mới hấp thụ được dinh dưỡng. Với cây đang suy yếu thì phải tìm hiểu nguyên nhân để chữa trị trước, ví dụ: giá thể lâu ngày không còn đảm bảo được độ tơi xốp, thông thoáng và thoát nước, khi bón thêm phân NPK vào sẽ càng làm rễ thêm tổn thương.
Tùy giai đoạn sinh trưởng và tình trạng mà cây cần lượng dinh dưỡng khác nhau. Sau khi thay giá thể hoặc cây đang trong giai đoạn phục hồi sau khi bị nấm bệnh, ta chỉ nên bón một lượng ít phân NPK vì lúc này bộ rễ chưa ổn định.
- Chế độ bón lá
Sử dụng phân bón như một cách bổ sung các dinh dưỡng kịp thời trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây hoa hồng, đặc biệt là giai đoạn phát triển đọt hoa và đóng nụ.
III – Quy trình bón phân cho hoa hồng
Việc lạm dụng nồng độ, đẩy thành phần, dùng chất kích thích sinh trưởng NAA hay GAA sẽ làm cây mất cân đối sinh trưởng, tổn hao năng lượng, lệch pha. Lúc ban đầu có thể thấy cây rất sung sức, nhưng về sau sẽ thường xuyên bị bệnh hại tấn công, rất dễ suy kiệt khi gặp yếu tố bất lợi của môi trường.
Thay vì quá phụ thuộc vào các chất kích thích sinh trưởng, bạn nên lập ra một chế bộ bón phân đúng và đủ, hơi chút một chút cũng được nhưng đều đặn. Nếu kiên nhẫn tuân thủ cách bón phân cho hoa hồng đúng kỹ thuật thì sau một thời gian bạn sẽ nhận được điều kỳ diệu. Có thể chia thành các đợt bón như sau:
- Đợt bón đầu tiên: Trước khi cắt tỉa hoa tàn từ 3 – 7 ngày.
Sau mỗi đợt hoa, chúng ta thường sử dụng một lượng lớn phân bón NPK để cung cấp dinh dưỡng cho cây trong giai đoạn trổ hoa. Do đó, cần phải bón các loại phân hữu cơ và phân vi sinh nhằm cải tạo lại đất trồng, giúp trả lại chất hữu cơ và phục hồi hệ vi sinh vật. Tại sao phải trước giai đoạn cắt tỉa?
Vì trước khi cắt tỉa, cây hoa hồng vẫn còn nhiều cành và lá, nó giúp cây hút được chất dinh dưỡng nhiều hơn so với lúc đã cắt tỉa. Khi chúng ta bón khoảng một nắm/gốc trước cắt tỉa khoảng 3 – 7 ngày, cây hoa hồng sẽ kịp hút dinh dưỡng lên để dự trữ cho đợt nảy mầm tiếp theo được khỏe hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Có bao nhiêu biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng?
- Đá vôi là gì và ứng dụng của đá vôi trong đời sống
- Đợt bón thứ hai: Sau khi cắt tỉa đồng loạt
Pha loãng phân NPK (YaraMila COMPLEX) với liều lượng 1 – 2g/lít (loãng), tưới cho chậu cây có kích thước khoảng 10 lít hoặc có thể rải 2 – 3g trên mặt chậu có đường kính 30 – 40cm (rải xa gốc). Bạn cũng có thể thay thế phân NPK bằng dịch đạm cá hoặc dịch trùn quế, sau đó tưới thêm dịch chuối sau 2 – 3 ngày.
Do cách bón trên không có nguyên tố Canxi, nên chúng ta có thể cung cấp thêm phân bón Canxi Nitrat sau 5 – 7 ngày hoặc có thể thay thế bằng các loại Canxi hữu cơ như vỏ trứng, vỏ tôm cua, hải sản, xương cá…
- Đợt bón thứ ba: Khi cây đã nảy chồi đồng loạt
Sau khi bón khoảng 7 – 10 ngày, cây đã bắt đầu đâm chồi đồng loạt (lưu ý cái này còn phụ thuộc vào giống hoa và thời tiết mùa đông hay mùa hè). Bổ sung phân bón có hàm lượng Đạm (N) cao, kết hợp phân bón lá vi lượng tổng hợp để mầm bật tốt, mập mạp, tăng khả năng kháng bệnh.
Pha loãng phân NPK theo liều lượng 1 – 2g/lít (loãng) như trên, kết hợp với phân kích rễ humic để tưới gốc, giúp gia tăng hiệu quả của phân bón. Sau 5 ngày kết hợp với phân bón lá như là đầu trâu 501, Miracle Gro… theo liều lượng trên bao bì.
- Đợt bón thứ tư: Giai đoạn dưỡng hoa
Sau 7-10 ngày tiếp theo, khi cây đã đóng nụ, bón bổ sung các loại phân giàu kali để hoa có màu đậm và thơm hơn, đồng thời bổ sung phân bón lá vi lượng.
Nguyên tắc quan trọng: Không nên bón quá nhiều, dù là phân vô cơ, hữu cơ hay vi sinh, đều nên bổ sung với lượng nhỏ, bởi nếu thiếu thì cây sẽ tự động điều chỉnh và bù sao cho phù hợp. Bù lại, khi bón đều đặn, sẽ không phải lo lắng việc cây bị thiếu dinh dưỡng, trái lại còn giúp cây hoa hồng phát triển ổn định.
Nếu chưa hiểu rõ về quá trình phát triển của hoa hồng, không biết nên cung cấp dinh dưỡng ra sao thì tốt nhất nên bón phân định kỳ theo lịch lập sẵn. Dưới đây là lịch bón phân mẫu, bạn có thể tham khảo và điều chỉnh cho phù hợp với cây hoa hồng của mình.
Bảng giai đoạn bón phân cho hoa hồng
GIAI ĐOẠN | THỜI ĐIỂM BÓN | TÊN PHÂN BÓN | PHÂN LOẠI | LIỀU LƯỢNG | CÔNG DỤNG |
Trước cắt tỉa | Ngày đầu | Dynamic Lifter (hoặc tương tự) Trichoderma Nấm rễ Mycorhizar | Phân hữu cơ Phân vi sinh | Một nắm/gốc | Cải tạo đất trồng |
Sau cắt tỉa | Ngày 7 – 10 | YaraMila COMPLEX Kích rễ humic | Phân NPK + TE và kích rễ humic | 1 – 2g/lít + 1g humic, tưới cho chậu 10 lít | Kích thích rễ và chồi phát triển |
Ra chồi mới | Ngày 15-21 | YaraMila COMPLEX Hai ngày sau phun thêm đầu trâu 501 (hoặc tương tự) | Phân NPK + TE | 1 – 2g/lít, tưới cho chậu 10 lít | Dưỡng chồi mới ra lá khỏe |
Dưỡng hoa | Ngày 22 – 30 | YaraMila COMPLEX Hai ngày sau phun thêm vi lượng MircoCombi (hoặc tương tự) | Phân NPK + TE | 1 – 2g/lít, tưới cho chậu 10 lít | Dưỡng hoa đẹp |
Ghi chú: Nên kết hợp phun phòng bệnh hại định kỳ 7 ngày/lần ngay sau giai đoạn cắt tỉa, đặc biệt là phòng nấm và bọ trĩ. Đồng thợi xịt bằng vòi áp lực lên lá để xua đuổi nhện đỏ.
Liều lượng 1-2g/lít theo hướng dẫn trên là liều loãng, bạn nên tưới gốc theo liều này, bón đều đặn hàng tuần, sau đó kết hợp với phân hữu cơ hoặc xen kẽ với dịch đạm cá, dịch trứng chuối,… nhằm đa dạng thêm nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây hoa hồng, đồng thời hạn chế sự thoái hóa đất.
Trong điều kiện đất tơi xốp, màu mỡ có thể sử dụng phân NPK với liều lượng lên tới 5-10g/lít, tưới gốc cho chậu có thể tích 10 lít, lượt bón cách nhau 10-15 ngày, và có thể phối thêm 2g bột humic để tăng hiệu quả.
Tuy sử dụng với liều lượng cao có thể mang lại hiệu quả tức thì, nhưng nó sẽ ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật trong đất, lâu ngày làm mất đi tính màu mỡ của đất trồng, vì vậy không khuyến khích sử dụng liều lượng với mức độ liên tục.