Nếu từng có dịp thăm miền Tây Bắc hoặc tìm hiểu đặc sản nơi đây có lẽ bạn cũng biết tới rau cải mèo. Thế nhưng đặc điểm và tác dụng của rau cải mèo ra sao mà được gọi là rau xanh ‘trời ban’?
Đối với đồng bào ở Tây Bắc, đặc biệt là bà con dân tộc Mông thì rau cải mèo là một trong các loại rau cải vốn chẳng hề xa lạ, bởi từ bao đời nay, giống rau cải này đã trở thành một thực phẩm thiết yếu và làm nguyên liệu cho vô vàn món ăn hàng ngày. Cùng tìm hiểu thêm về loại rau xanh đã làm nên “thương hiệu” của vùng đất này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Cải mèo là cải gì?
Cải mèo thuộc họ Cải, là giống rau cải truyền thống của người Mông, xuất hiện phổ biến ở Mộc Châu hay Sapa. Cải mèo giòn ngọt, hơi đắng nhẹ (khá giống với cải bẹ xanh), phần thân dài khoảng 15 – 20cm, phần lá nhăn, màu xanh sẫm không quá dày và viền xung quanh lá thường xoăn lại, có dạng sóng.
Rau cải mèo không kén đất trống, lại có thể sinh trưởng tốt trong cả điều kiện khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, bà con có thể gieo hạt dọc theo lối ruộng bậc thang hoặc thậm chí cây còn mọc xanh mơn mởn ở hốc đá, sườn núi mà không đòi hỏi chăm bón nhiều. Chính vì lý do đó, từ lâu cải mèo luôn được xem như thức quà quý của thiên nhiên và du khách ghé thăm đều muốn tìm mua thưởng thức.
2. Tác dụng của rau cải mèo với sức khỏe
Vốn có sức sống mãnh liệt dù không được bón thúc nhiều nên có thể nói các chất dinh dưỡng mà rau cải mèo mang lại đều là “tinh hoa” mà trời đất ban tặng. Bởi vậy, bổ sung cải mèo vào thực đơn vừa giúp đổi mới hương vị, vừa hỗ trợ cải thiện sức khỏe nhờ những công dụng tuyệt vời sau:
2.1 Làm mát cơ thể
Rau cải mèo được xếp vào nhóm thực phẩm có tính hàn mát, vị đắng nhẹ và ngọt hậu, rất thích hợp với người có thể trạng nhiệt, thường xuyên bị nóng trong người hay bốc hỏa. Lúc này tăng cường ăn thêm các món ăn từ cải mèo sẽ giúp bạn làm mát cơ thể, thanh nhiệt và giải trừ độc tố hiệu quả.
2.2 Kích thích tiêu hóa
Cũng như các giống rau xanh khác, rau cải mèo cung cấp lượng chất xơ vô cùng dồi dào, rất cần thiết cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Theo đó, dưỡng chất này khi vào đường ruột có khả năng giảm nhũ tương hóa chất béo của thức ăn, thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất, đồng thời giúp tạo khối phân và kích thích trực tràng hoạt động, hạn chế chứng táo bón.
2.3 Phòng chống ung thư
Một số nghiên cứu nhận thấy rằng chất đắng glucosinolate được tìm thấy trong rau cải mèo có đặc tính hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh. Vì vậy, ăn rau cải mèo tuy hơi đắng, nhặng nhặng nhưng là cách giúp bạn chủ động ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, bảo vệ tế bào không bị gốc tự do tấn công và phòng chống tối đa các bệnh ung thư nguy hiểm.
2.4 Tác dụng của rau cải mèo hỗ trợ giải rượu
Không chỉ đơn thuần là một nguyên liệu ẩm thực, tác dụng của rau cải mèo còn làm dược liệu cho các bài thuốc giải rượu, bia hữu hiệu. Nước rau cải mèo thơm mát, có chút đắng song lại giúp phục hồi sức khỏe, giảm cảm giác buồn nôn và uể oải sau khi uống “quá chén”.
2.5 Bảo vệ tim mạch
Bên cạnh nhiệm vụ “trợ giúp” hoạt động tiêu hóa, lượng chất xơ từ rau cải mèo khi vào cơ thể cũng kết dính với các cholesterol xấu, trực tiếp đào thải chúng ra bên ngoài thông qua đường ruột. Từ đây góp phần không nhỏ giảm thiểu tỉ lệ tắc nghẽn thành mạch, đảm bảo dòng tuần hoàn máu tới tim thông suốt và bảo vệ một trái tim khỏe mạnh.
2.6 Kiểm soát đường huyết
Đối với người bệnh tiểu đường, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích nên tham khảo bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau cải bẹ xanh. Lượng chất này sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa đường glucose vào máu, duy trì đường huyết ổn định và không biến động đột ngột.
2.7 Ngăn ngừa viêm đường tiết niệu
Nhờ có đặc tính hàn mát, rau cải mèo cũng được đánh giá là thực phẩm tốt cho hệ tiết niệu, tác động tích cực tới hoạt động bài tiết nước tiểu, khắc phục tình trạng bí tiểu hay tiểu rắt. Chưa hết, glucosinolate từ cải mèo sẽ đảm nhiệm vai trò “tiêu diệt” các vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiết niệu (nhất là ở nữ giới), ngăn ngừa nhiễm khuẩn niệu tái đi tái lại.
2.8 Tác dụng của rau cải mèo cải thiện bệnh gout
Một trong những tác dụng của rau mèo không thể quên nhắc tới đó hỗ trợ cải thiện bệnh gout. Theo đó, rau cải mèo có tính kiềm, đồng thời các hoạt chất trong rau có khả năng đào thải axit uric đang lắng đọng ở khớp ra ngoài, giảm các cơn đau nhức và sưng viêm gây ảnh hưởng tới việc vận động hàng ngày.
3. Cải mèo làm món gì ngon?
Tuy vẫn thuộc họ nhà Cải, thế nhưng các món ăn được chế biến từ rau cải mèo vẫn mang nét đặc trưng cùng hương vị núi rừng rất riêng có.
Rau cải mèo có thể làm nguyên liệu của nhiều món ngon hấp dẫn (Nguồn: Internet)
Nếu có dịp tìm mua được cải mèo, bạn có thể tham khảo một vài gợi ý đơn giản này để xuống bếp “trổ tài”:
- Thịt bò cuộn rau cải mèo nướng
- Dưa cải mèo muối chua
- Canh rau cải mèo thịt gà
- Rau cải mèo xào nấm
- Gỏi rau cải mèo cá hồi
4. Ăn rau cải mèo cần lưu ý khuyến cáo nào?
Nhìn chung, rau cải mèo là giống rau xanh khá lành tính và mang đến nhiều lợi ích quý giá. Tuy nhiên, nhằm giúp bạn hấp thu trọn vẹn các dưỡng chất từ rau cũng như cải thiện sức khỏe hiệu quả nhất, xin lưu ý một vài khuyến cáo sau đây:
4.1 Không nên ăn quá nhiều
Thay vì chỉ tập trung ăn rau cải mèo, bạn nên kết hợp linh hoạt đa dạng nhiều loại rau xanh khác nhau để tiếp nạp đủ chất dinh dưỡng. Tốt nhất mỗi lần chỉ nên ăn từ 200 – 250g, khoảng 1 – 2 lần trong tuần.
4.2 Không đun nấu quá lâu
Trong quá trình chế biến món ăn từ rau cải mèo, bạn chú ý đừng nên đun nấu ở nhiệt độ cao quá lâu. Dù làm món luộc hay món xào hãy cho rau vào ở bước cuối cùng và đun trong khoảng từ 5 – 7 phút là hợp lý nhất.
4.3 Tránh ăn khi bị tiêu chảy
Như đã chia sẻ, rau cải mèo có tính hàn mát nên không phù hợp với người có tì vị hư hàn, dễ lạnh bụng hoặc bị tiêu chảy.
4.4 Hạn chế ăn vào buổi tối
Bạn nên thưởng thức rau cải mèo vào các bữa ăn ban ngày, hạn chế sử dụng vào buổi tối để tránh đi tiểu đêm và bị gián đoạn giấc ngủ.
5. Thành phần dinh dưỡng của cải mèo
Thành phần dinh dưỡng trong khoảng 100g rau cải mèo được ước tính như sau:
- Nước: 93.8 g
- Chất xơ: 1.8 g
- Sắt: 1.9 mg
- Canxi: 89 mg
- Vitamin C: 51 mg
- Vitamin B1: 0.07 mg
- Vitamin B2: 0.1 mg
- Vitamin PP: 0.8 mg
- Vitamin B5: 0.21 mg
- Vitamin B6: 0.18 mg
- Vitamin E: 2.01 mg
Nếu đã có cơ hội thưởng thức rau cải mèo chắc hẳn chúng ta đều rất khó quên đi cái giòn ngọt xen lẫn chút đắng nhẹ đầy khác biệt. Hơn hết, với các tác dụng của rau cải mèo với sức khỏe trên đây không khó hiểu vì sao loại rau này vẫn luôn được bà con vùng cao “nâng niu” suốt nhiều thế hệ. Có dịp hãy tìm mua và chiêu đãi cả nhà nhé!